Thông thường khi được chẩn đoán mắc bệnh ung thư, bệnh nhân sẽ rơi vào tình trạng suy sụp tinh thần và tuyệt vọng do nghĩ rằng mình sắp phải đối diện với bản án tử hình. Vì vậy, việc chăm sóc bệnh nhân bị ung thư khiến họ có thể lấy lại tinh thần là điều rất quan trọng trong lúc này. Đón đọc bài viết bên dưới của VITAMIA để biết cách chăm sóc bệnh nhân ung thư nhé.
Tinh thần của bệnh nhân là quan trọng
Theo như lời chia sẻ của PGS.TS Trần Văn Thuấn – PGĐ Bệnh viện K Trung ương, ông đã tiếp xúc với biết bao nhiêu bệnh nhân ung thư ở mọi lứa tuổi, mọi giới tính trong suốt hơn 20 năm làm việc. Khi mới được chẩn đoán bệnh, hầu hết bệnh nhân đều rơi vào những trạng thái cảm xúc như shock, sợ hãi, giận dữ, mệt mỏi, suy sụp, cô đơn và tuyệt vọng. Đây thực sự là thời điểm khó khăn với người bệnh nhưng những tâm trạng như vậy là rất bình thường vì họ cần có thời gian để làm quen và chấp nhận thực tế rằng mình bị mắc bệnh ung thư…
Một số trường hợp khi bệnh nhân không vượt qua được giai đoạn khủng hoảng thường có suy nghĩ tiêu cực và có dấu hiệu trầm cảm, không ăn uống, mất ngủ, buông xuôi, cảm giác tội lỗi, sống vô ích, hành hạ bản thân, thậm chí tự sát… Những người này cần phải được điều trị chống trầm cảm bằng thuốc và tâm lý liệu pháp bởi các chuyên gia. Về phía người thân bệnh nhân cần giữ bình tĩnh, sáng suốt để động viên, hỗ trợ, quan tâm, chăm sóc bệnh nhân bị ung thư.
Việc chăm sóc bệnh nhân bị ung thư cả về thể chất và tinh thần sẽ giúp người bệnh vượt qua giai đoạn khó khăn này để tiếp tục cuộc sống. Cần chú ý đến cảm xúc, tâm trạng của người bệnh dành nhiều thời gian chia sẻ, nói chuyện, thu hút họ vào các hoạt động có thể làm họ thấy vui vẻ như đọc sách, tham quan, chơi thể thao, âm nhạc, nấu ăn, gặp gỡ bạn bè.
Các bác sĩ và nhân viên y tế có trách nhiệm động viên, tư vấn, giải thích rõ cho người bệnh về cách chẩn đoán, phương thức điều trị, theo dõi, tiên lượng bệnh, nhằm giúp người bệnh hiểu rõ về tình trạng bệnh của mình và có được cảm giác mình có thể kiểm soát được những gì đang diễn ra. Điều này sẽ giúp người bệnh có một thái độ tích cực, lạc quan trong quá trình điều trị. Một số khảo sát cho thấy ở những bệnh nhân được giải thích, tư vấn đầy đủ kỹ càng về bệnh tình của mình và cách điều trị, tỉ lệ tuân thủ điều trị cao hơn và do vậy kết quả điều trị tốt hơn.
Dinh dưỡng – yếu tố không thể thiếu cho bệnh nhân ung thư
Khi mắc bệnh, nhiều bệnh nhân hướng đến ăn chay, một số người lại ăn nhiều chất đạm thì bệnh sẽ phát triển nhanh hơn do tế bào ung thư được “ăn” nhiều chất. Tuy nhiên, nhiều người không biết rằng một chế độ ăn của bệnh nhân ung thư phải đảm bảo đủ yếu tố vừa để nâng cao sức khỏe lại vừa có tác dụng ngăn bệnh phát triển. Chăm sóc bệnh nhân bị ung thư phải lưu ý kỹ thực đơn và cân đối dinh dưỡng cho người bệnh.
PGS. Trần Văn Thuấn cho biết, dinh dưỡng là yếu tố rất quan trọng trong quá trình điều trị bệnh ung thư. Việc xây dựng chế độ dinh dưỡng cho người bệnh ung thư cũng là một liệu pháp điều trị trong kế hoạch điều trị chung. Bệnh nhân ung thư có nguy cơ rất cao bị suy kiệt, giảm cân do quá trình điều trị bệnh gây ra. Tình trạng bệnh ảnh hưởng đến tình trạng dinh dưỡng và tình trạng dinh dưỡng ngược lại cũng ảnh hưởng đến phương pháp, sự tuân thủ, đáp ứng điều trị và chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Do sự phát triển của khối u làm tăng quá trình chuyển hóa trong cơ thể vì vậy nên nhu cầu về năng lượng của cơ thể bệnh nhân cũng tăng cao. Các triệu chứng của bệnh và tác dụng phụ của điều trị như nuốt khó, nôn, đau, mệt mỏi, tiêu chảy… làm giảm hấp thu, giảm khẩu phần ăn, ngoài ra ảnh hưởng về tâm lý người bệnh như lo lắng, trầm cảm, buồn rầu, làm giảm cảm giác ngon miệng khiến người bệnh không muốn ăn.
Khoảng 40% bệnh nhân ung thư có suy dinh dưỡng protein năng lượng và một số nhóm nguy cơ cao hơn như bệnh nhân ung thư đầu cổ có đến 80% bệnh nhân có các mức độ suy dinh dưỡng khác nhau.
Do vậy, tùy thuộc vào phương thức đang điều trị của bệnh nhân, thể lực, tình trạng bệnh, đặc điểm bệnh, chỉ số cân mà bác sĩ sẽ gợi ý chế độ dinh dưỡng phù hợp cho bệnh nhân ung thư vì trên thực tế không có chế độ dinh dưỡng chung cho tất cả người bệnh ung thư. Tuy nhiên có một số nguyên tắc chung là đồ ăn phải được chế biến ngon miệng, duy trì một chế độ ăn uống cân bằng, hợp lý, đảm bảo cho cơ thể đủ năng lượng chống đỡ lại bệnh tật cũng như các tác dụng phụ do điều trị đem lại.
Thông thường các bác sĩ sẽ khuyên bệnh nhân ăn nhiều trái cây hạn chế chất béo và đường, nhưng trong một số trường hợp cụ thể bệnh nhân có thể cần phải tăng cường hàm lượng các chất đạm và đường trong bữa ăn. Nếu bệnh nhân suy kiệt nặng hoặc ăn qua đường miệng vẫn chưa đủ chất dinh dưỡng, bác sĩ sẽ cân nhắc bổ sung thêm chất dinh dưỡng ở dạng khác như qua ống thông dạ dày, dinh dưỡng tĩnh mạch.
Cần làm gì trong quá trình chăm sóc bệnh nhân bị ung thư đang trong quá trình điều trị
Sau liệu trình điều trị bệnh, sức khỏe của bệnh nhân ung thư sẽ rất mệt mỏi. Hiện tượng này xuất hiện là do tác dụng phụ thường gặp trong quá trình điều trị ung thư như sau phẫu thuật, xạ trị, hóa trị và điều trị sinh học. Một số tình trạng khác như thiếu máu, đau hay thậm chí do cảm xúc cũng có thể gây mệt mỏi. Nhiều bệnh nhân ung thư có thể đi làm và tiếp tục cuộc sống thường ngày của họ trong khi họ vẫn đang được điều trị. Người nhà khi chăm sóc bệnh nhân bị ung thư cần lưu ý chăm sóc sau điều trị để giảm thiểu mệt mỏi cho người bệnh.
Trong trường hợp cảm thấy mệt mỏi, bệnh nhân cần được nghỉ ngơi nhiều hơn. Việc người bệnh ăn theo chế độ dinh dưỡng cho người bị ung thư sẽ giúp họ cung cấp nhiều năng lượng và protein hơn cho cơ thể. Ngoài ra bệnh nhân cần uống nhiều nước, tốt nhất là sử dụng nguồn nước được tạo ra từ các thiết bị lọc nước ion kiềm và có thể chia bữa ăn thành nhiều bữa nhỏ trong ngày thay vì 3 bữa chính. Người bệnh không nên dùng rượu, bia, cafe hay các chất kích thích khác.
Bệnh nhân nên trao đổi với bác sĩ điều trị để có những lời khuyên hữu ích, hợp lý cũng như loại trừ các nguyên nhân thực thể do bệnh tiến triển đặc biệt trong trường hợp mệt mỏi rất nhiều, kể cả khi ngủ, nghỉ ngơi, không thực hiện được các hoạt động thông thường. Trường hợp mệt mỏi do stress hay trầm cảm, bệnh nhân cần phải được tham vấn bác sĩ tâm lý để kiểm soát, xử trí tình trạng này.